Friday, March 26, 2010

Biến Đổi Khí Hậu: Giờ Trái Đất 2010 & Biến đổi khí hậu


Trang www.EarthHour.org.vin giải thích:

Biến đổi khí hậu là gì và làm sao chúng ta biết được nó đang xảy ra?

Hiện tượng biến đổi khí hậu, thường được nhắc tới như là hiện tượng nóng lên toàn cầu, là những thay đổi lâu dài về thời tiết bao gồm các hiện tượng như gia tăng nhiệt độ, gia tăng lượng mưa, gió, và bão. Biến đổi khí hậu được chứng minh qua việc quan sát các hiện tượng xảy ra trong thực tế như hiện tượng nhiệt độ trong không khí và đại dương tăng, hiện tượng băng tan diện rộng, hay hiện tượng mực nước biển dâng cao.

Điều gì gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu?

Khí quyển Trái Đất hoạt động giống như một tấm chắn giữ lại nhiệt từ mặt trời, nhờ đó trái đất có sự sống. Hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra do sự tích tụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính (HƯNK) trong khí quyển. Sự tập trung của HƯNK tăng lên làm dày tấm chắn (lớp khí quyển), vì vậy một lượng nhiệt lớn hơn cần thiết được giữ lại, chính lượng nhiệt này làm Trái Đất nóng lên. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính được thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đốt rừng lấy đất sản xuất và các hoạt động sản xuất nông nghiệp. 
 
Vì sao biến đổi khí hậu là một mối quan tâm?

Ở khắp nơi trên thế giới, con người đang nỗ lực hành động vì hiện tượng biến đổi khí hậu có tầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, và đặc biệt là sức khỏe con người và an sinh. Khí hậu càng thay đổi nhiều thì càng xuất hiện nhiều những nguy cơ đe dọa đến con người và hệ sinh thái mà loài người phụ thuộc vào. Khi hành tinh ấm lên, mực nước biển được dự báo là sẽ tăng lên 1m vào năm 2100, các đồng bằng và các khu vực trũng sẽ bị ngập, gây xáo trộn tới cuộc sống của hàng triệu người, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế quốc gia ở một vài lĩnh vực chủ chốt như: nông nghiệp, đời sống và cơ sở hạ tầng. Ở vùng châu thổ và đồng bằng, đường bờ biển có thể xâm lấn vài kilomet vào trong đất liền. Nhiệt độ ấm hơn cũng làm thủy triều dâng cao, gây ra các hiện tượng bão và hạn hán thường xuyên hơn. Những kiểu thời tiết xấu này dẫn tới những thảm họa nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất vì hiện tượng biến đổi khí hậu, do có đường bờ biển dài và có hướng với bão, lốc, luợng mưa to và thường xuyên biến đổi. Hiện tượng thay đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến một vài hệ thống tự nhiên của Việt Nam, nền kinh tế cũng như toàn thể dân số. Bằng chứng của hiện tượng biến đổi khí hậu có thể thấy rõ ở Việt Nam. Nhiệt độ trung bình đã tăng 0.5°C và mực nước biển dâng cao 20 cm so với 50 năm trước. Những hiện tượng khí hậu tiêu cực như mưa lớn, hạn hán và bão lụt ngày càng xuất hiện với cuờng độ lớn hơn ở Việt Nam.

Bạn có thể làm gì để ngăn chặn?

WWF đang xúc tiến phối hợp hành động toàn cầu nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và áp dụng các công nghệ hiện có nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cùng một lúc, chúng ta phải thúc giục từng quốc gia và khu vực bắt đầu chuẩn bị thích ứng với những hậu quả do biến đổi khí hậu tại khu vực. Tất cả các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ phải có trách nhiệm với hiện tượng biến đổi khí hậu và chúng ta phải cùng nhau hành động nhằm bảo đảm một tương lai tươi đẹp hơn cho hành tinh và con em chúng ta.
 

Một vài cách thức đơn giản có thể thay đổi thói quen giúp bạn giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính:

a. Tại nơi làm việc
Giảm thiểu số lượng bóng đèn chiếu sáng, điều hòa và các loại thiết bị văn phòng khi không dùng đến.
Tắt tất cả các thiết bị chiếu sáng, và thiết bị văn phòng khi không sử dụng.
Tổ chức hội nghị từ xa thay vì phải đi từ nơi này đến nơi khác.
In ấn hoặc sao chép trên cả hai mặt giấy để tránh lãng phí.
Tạo ra một cộng đồng xanh ở cơ quan.

Hãy đóng kín cửa khi bạn muốn bật điều hòa hoặc lò sưởi.

b.Đi lại
Đi bộ, đạp xe hoặc đi xe buýt.
Nếu bạn đang định mua ô tô, hãy chọn loại tiết kiệm nhiên liệu.
Lái xe một cách tiết kiệm (tránh việc tăng tốc hay dừng xe đột ngột).
Hạn chế sử dụng xe máy và ô tô bằng cách đặt ra kế hoạch và nên kết hợp các chuyến đi ngắn.
Giảm đi lại bằng máy bay.
 

c. Ở nhà
Giảm điều hòa xuống 1 độ và bạn đã tiết kiệm được 10% hóa đơn tiền điện của mình.
Mua và ứng dụng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện.
Rút ổ cắm các thiết bị điện khi không dùng đến.
Hãy giảm nhiệt độ bình nóng lạnh bạn hay dùng.

Hãy đóng kín cửa khi bạn muốn bật điều hòa hoặc lò sưởi.

d. Mua sắm
Luôn tái sử dụng hoặc tái chế đồ trước khi mua hàng hóa mới.
Lựa chọn các sản phẩm có nhãn mác ghi thân thiện với môi trường.
Sử dụng ít thịt, sữa và các loại thức ăn chế biến sẵn - loại có thể tạo ra lượng khí cacbon cao.
Không mua hay tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã trái phép.
Chọn các sản phẩm có thể tái sử dụng thay vì sản phẩm không thể tái sử dụng.

Giờ Trái đất là gì?

Giờ Trái đất (EH), do WWF Quỹ quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên khởi xướng, là một sáng kiến toàn cầu nhằm nâng cao ý thức của người dân về tiết kiệm năng lượng và biến đổi khí hậu.
Sáng kiến này kêu gọi các cá nhân và doanh nghiệp trên toàn thế giới tắt điện một tiếng đồng hồ vào tối thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Năm 2010, ngày đó sẽ là thứ 7, 27 tháng 3. Mục tiêu của chiến dịch nhằm khẳng định mỗi một hành động cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng có thể giúp thay đổi môi trường sống tốt hơn.

Tôi cần làm gì trong tối đó?

Việc cần nhất là tắt hết các đèn điện trong vòng một tiếng đồng hồ. Ngoài ra, tối hôm đó mọi người có thể tổ chức hoặc tham gia vào các sự kiện GTĐ ở địa phương mình. Tại TPHCM, tối ngày 27/3 sẽ có một chương trình Gala Giờ Trái đất tại trước Nhà hát lớn thành phố từ lúc 20.00h. Chương trình mở rộng cửa cho mọi người dân tham gia.

Như vậy tôi cần tắt hết các thiết bị điện trong nhà?


Không. Điểm mấu chốt của chiến dịch là để chứng tỏ với người dân và các cơ quan thấy một hành động dù rất nhỏ và đơn giản cũng góp phần tiết kiệm năng lượng và hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Bạn không cần phải tắt mọi thiết bị điện, nhưng chúng tôi khuyến khích bạn hãy tham gia cùng chúng tôi tắt các ngọn đèn và tất cả các thiết bị điện đang không sử dụng thay đổi hành vi sử dụng điện của bạn sau đó.

Giờ Trái đất diễn ra ở đâu?

Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên bởi WWF ở Sydney năm 2007, với 2.2 triệu người tham gia bằng cách tắt tất cả các ánh sáng đèn không cần thiết.
Năm 2008, Giờ
Trái đất đã diễn ra tại 400 thành phố, thị trấn của 35 quốc gia trên toàn châu lục với sự tham gia của 50 triệu người.
Năm 2009, Giờ
Trái đất diễn ra tại hơn 4.000 thành phố của 88 quốc gia. Việt Nam tự hào tham gia cùng với 6 thành phố chính thức là Hà Nội, TPHCM, Huế, Hội An, Nha Trang và Cần Thơ.
Mục tiêu của Giờ Trái Đất toàn cầu 2010 là 1 tỷ người và 6,000 thành phố và thị trấn trên toàn thế giới cùng tắt đèn. Tại Việt Nam, chiến dịch sẽ được mở rộng hơn năm 2009 với mục tiêu sẽ có hơn 20 thành phố đăng ký tham gia.

Làm sao đảm bảo mọi ánh đèn đều được tắt?

Chúng tôi kêu gọi người dân tham gia tắt đèn càng nhiều càng tốt. Tuy vậy, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của bạn. Xin hãy đưa thông tin về Giờ Trái đất tới bạn bè, gia đình, đồng nghiệp thông qua trò chuyện, thư điện tử, blog, etc. Càng có nhiều người đồng ý tham dự, chiến dịch càng thành công.

Việc đèn điện được tắt và bật lại trong cùng một thời điểm có gây ra sự cố điện không?

Không. Chúng tôi đã kiểm tra với Sở điện lực và Ủy ban Nhân dân thành phố. Việc bật điện trở lại cùng một lúc sẽ không gây ra vấn đề gì.

Sau chiến dịch này sẽ là gì? Tôi có thể làm được gì sau đó?

Tất cả chúng ta có thể hành động mỗi ngày để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường bằng cách giảm bớt khí thải hiệu ứng nhà kính.
Giờ Trái đất có hai mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là kêu gọi được nhiều hộ gia đình, cộng đồng và các công sở tắt điện một tiếng vào tối ngày 27 tháng 3.
Thông qua việc nâng cao ý thức và thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng, mục tiêu thứ 2 là làm người dân có thay đổi hành vi tích cực đối với môi trường như để rác đúng quy định, hạn chế dùng điện không cần thiết vào giờ cao điểm, v.v .

http://www.earthhour.org.vn/?q=traloicauhoi#28